Hotline
Vina Real Group

TOP 10 SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA THỊ TRƯỜNG BĐS VIỆT NAM 2018

Giải thưởng được phát động ngày 12/12/2017, do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) phối hợp với Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản – Bộ Xây dựng và Trung tâm tin tức VTV24 – Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Sau 4 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận hàng trăm hồ sơ tham dự của nhiều doanh nghiệp bất động sản uy tín trên toàn quốc.

Thông qua một hệ thống tiêu chí xét giải khắt khe với quy trình từ thẩm định hồ sơ, khảo sát thực tế tại các dự án, bỏ phiếu kín, kiểm toán… Hội đồng Giám khảo uy tín đã chọn ra 54 đơn vị và dự án để tôn vinh tại Lễ trao giải ngày 14/4/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Các hạng mục được trao giải gồm: Nhà phát triển bất động sản uy tín nhất (11 giải), Khu đô thị tốt nhất (6 giải), Dự án bất động sản nghỉ dưỡng tốt nhất (5 giải), Tòa nhà văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại tốt nhất (3 giải), Dự án khu nhà ở đáng sống nhất (10 giải), Dự án công trình xanh tốt nhất (5 giải), Sàn giao dịch bất động sản xuất sắc nhất (7 giải) và Dự án nhà ở xã hội tốt nhất (7 giải).

Phát biểu tại Lễ trao giải, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và biểu dương những đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản vào sự phát triển của thị trường thời gian qua.

Đồng thời, Phó Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao Ban Tổ chức đã tổ chức một Giải thưởng uy tín, danh giá, không chỉ vinh danh các cá nhân, công trình tiêu biểu mà còn là sự khuyến khích, động viên doanh nghiệp ngày càng nỗ lực, cống hiến nhiều hơn cho thị trường bất động sản, tạo ra xu hướng xanh sạch đẹp trong đầu tư, kiến tạo các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của các đối tượng tiêu dùng và là yếu tố đánh giá, phân cấp thứ hạng các doanh nghiệp, dự án trên thị trường.

Đây là sự kiện nổi bật hàng đầu trong năm 2018 trong lĩnh vực bất động sản. Từ ngày 5 – 7/9/2018 tại Hà Nội, dưới sự đăng cai tổ chức của VNREA và sự đồng hành chiến lược của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Hoa Kỳ (NARs), IREC 2018 với chủ đề “Việt Nam – Thế giới của cơ hội!” đã thành công tốt đẹp qua nhiều hoạt động ý nghĩa như: Hội nghị các Hiệp hội Bất động sản thế giới; Các diễn đàn chuyên đề về xu hướng phát triển thị trường bất động sản toàn cầu; Các hội nghị giới thiệu, xúc tiến đầu tư; Triển lãm VietBuild…

Hội nghị có sự tham dự của nhiều đoàn đại biểu, đại diện các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, IREC 2018 đã vinh dự được đón tiếp nhiều quan chức cao cấp của Chính phủ Việt Nam tới tham dự, có bài phát biểu và chúc mừng.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ hoan nghênh và đánh giá cao VNREA về nỗ lực đăng cai tổ chức Hội nghị và khẳng định, IREC 2018 không những là cơ hội kết nối, xúc tiến đầu tư, trao đổi kinh nghiệm và đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa cộng đồng các nhà phát triển bất động sản Việt Nam với quốc tế mà còn là một cơ hội tốt để giới thiệu, quảng bá về tiềm năng phát triển, về đất nước con người Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng. Đây không những là hoạt động chuyên môn tích cực của cộng đồng các hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản thế giới mà còn là một hoạt động “ngoại giao nhân dân” giàu ý nghĩa.

Trong khuôn khổ của Hội nghị, các đại biểu tham dự IREC 2018 đã thảo luận về nhiều nhóm vấn đề quan trọng của thị trường bất động sản thế giới như: Vai trò và tầm quan trọng của thị trường bất động sản với sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, khu vực và trên thế giới; Các xu hướng phát triển mới của thị trường hiện nay và trong tương lai; Vai trò của thị trường bất động sản trong việc hình thành các thành phố xanh – thông minh – hạnh phúc; Vai trò của quy hoạch đô thị và cách mạng 4.0 trong phát triển thị trường bất động sản; Vấn đề toàn cầu hóa và phát triển bền vững trong bất động sản; Vấn đề định vị quốc gia và cơ hội hợp tác đầu tư…

Ngoài IREC 2018, trong năm vừa qua, VNREA đã trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, bảo trợ nhiều hội nghị, hội thảo, sự kiện tầm vóc, đem lại ý nghĩa và tác động tích cực đến thị trường bất động sản Việt nam nói riêng, nền kinh tế nói chung như: Hội thảo Nghị định 20/2017: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ; Chuỗi chương trình Tọa đàm Cafe Xanh; Triển lãm Quốc tế Vietbuild; Trao đổi thông tin và tăng cường hợp tác với: Hiệp hội bất động sản Australia, Liên đoàn Bất động sản Thế giới (FIABCI), Ngân hàng thế giới (WB), LG Electronics Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ, Viện nghiên cứu tổng hợp Nhật Bản, Hiệp hội quản lý Xây dựng Hàn Quốc…; Tham dự Hội nghị Bất động sản Malaysia 2018; Khảo sát, nghiên cứu chuyên đề về phát triển công trình xanh tại Australia…

Ngay từ thời điểm có thông tin dự kiến đưa Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) trở thành 3 đặc khu kinh tế, bất động sản nơi đây đã tăng giá mạnh. Dù hạ tầng chưa hoàn thiện, nhiều dự án lớn vẫn nằm trên giấy nhưng giá đất ở Vân Đồn có lúc đạt mức 60 triệu đồng/m2. Tương tự, giá đất tại Bắc Vân Phong cũng lên gấp 2 – 3 lần so với năm 2017. Giá đất biến động mạnh nhất tại Phú Quốc, với mức tăng gấp 3 – 4 lần, thậm chí có công đất giá bán 5 tỷ đồng vào buổi sáng nhưng đến chiều đã “nhảy” lên 7 tỷ đồng…

Nổi cộm nhất là tình trạng một số nhà đầu tư cá nhân bất chấp rủi ro, lao vào chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp trái quy định pháp luật, khiến cho thị trường rơi vào cơn “địa chấn”. Điều đáng nói, giới đầu cơ ngang nhiên phân lô bán nền, tung tin thất thiệt để đẩy giá lên cao, kiếm lời bất chính, nhiều khu dân cư tự phát mọc lên, quy hoạch bị phá vỡ, môi trường tự nhiên bị tàn phá.

Trước tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hoà, Kiên Giang nghiêm khắc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, không để cò đất, xã hội đen mua bán đất lộng hành trên địa bàn. Ngay sau đó, chính quyền các địa phương đã kiểm soát cơn sốt đất bằng một số mệnh lệnh hành chính như cấm giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rà soát các văn phòng môi giới nhà đất và xử lý nghiêm những trường hợp môi giới sai phạm…

Sau khi Chính phủ trình và Quốc hội quyết định chưa thông qua Luật đặc khu, thị trường bất động sản tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã hạ nhiệt.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 23/1/2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Công văn số 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các ngân hàng chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh; hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.

Trước đó, Thông tư 19 của NHNN sửa đổi, bổ sung Điều 17 Thông tư 36, quy định kể từ ngày 1/1/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn. Hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản là 200%.

Chỉ thị 04 của NHNN (ngày 2/8/2018) cũng khẳng định chủ trương “Không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt); Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông; Kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, nhất là tín dụng tiêu dùng liên quan đến bất động sản”.

Như vậy, tỷ lệ tín dụng bất động sản tiếp tục được giảm xuống trong năm 2018 và sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn trong năm 2019.

Trước tình trạng siết chặt tín dụng vào thị trường bất động sản, doanh nghiệp sẽ phải tăng cường các giải pháp tìm nguồn vốn đầu tư mới. Giới chuyên gia cho rằng, việc giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng là cần thiết, đòi hỏi thị trường bất động sản tiếp cận các nguồn vốn khác ngoài nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực tài chính.

Tranh chấp chung cư tiếp tục căng thẳng trong năm 2018. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, chỉ tính trong nửa năm 2018, cả nước có 215 dự án có khiếu nại, tranh chấp, trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân.

Tại Hà Nội, hàng loạt chung cư xảy ra tranh chấp như: The Golden An Khánh, chung cư Hồ Gươm Plaza, Parkview Residences, 165 Thái Hà, Discovery Complex, Star City 81 Lê Văn Lương, chung cư 25 Tân Mai, Artemis Lê Trọng Tấn, Hòa Bình Green City 505 Minh Khai, New Horizon City 87 Lĩnh Nam… Tại TP.HCM phải kể đến: chung cư Khang Gia, chung cư 584, chung cư Bảy Hiền, chung cư La Bonita, chung cư Topaz City…

Tranh chấp chủ yếu xoay quanh các vấn đề như: Thành lập Ban Quản trị chung cư; bàn giao và quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì chung cư; Chất lượng xây dựng chung cư; tranh chấp phần sở hữu chung – sở hữu riêng, chỗ để xe; chậm bàn giao căn hộ; Chậm làm “sổ đỏ” cho người mua căn hộ…

Trước diễn biến trên, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, cũng như việc thực hiện thẩm định, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy…; tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì.

Sai phạm lớn nhất trong thu hồi đất xảy ra tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là điển hình cho việc thay đổi liên tục quy hoạch của một số dự án và làm “biến dạng” hẳn quy hoạch ban đầu. Kết luận thanh tra chỉ rõ những sai phạm của lãnh đạo thành phố như: Giao đất không qua đấu giá, giao đất không đúng với giấy phép kinh doanh, không đúng thẩm quyền; không có quy hoạch chi tiết 1/2000 được duyệt; chưa ký hợp đồng thuê đất vẫn cho phép sử dụng. Các dự án này khi triển khai thì lấn sông, xây dựng công trình sai quy hoạch, vượt số tầng, tính toán tiền sử dụng đất sai…

Chuyển nhượng đất công cũng là câu chuyện nóng trong thị trường bất động sản năm 2018. Tại TP.HCM, vụ chuyển nhượng đất công số 8 – 12 Lê Duẩn, quận 1 (5.000m2) không qua đấu giá, dẫn tới việc cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài bị khởi tố, bắt giam. Trước đó, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cũng bị cơ quan khởi tố do “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng đất đai” liên quan khu đất vàng trên đường Hai Bà Trưng, quận 1.

Tại Hà Nội, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ rõ những vấn đề tồn tại của 38 dự án chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước có vị trí đắc địa sang mục đích khác.

Cụ thể, một số doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ) nên số tiền thu về cho ngân sách thấp như Dự án số 1 Phùng Chí Kiên, dự án tại 365A Minh Khai, dự án 167 Thụy Khuê, dự án 69 Vũ Trọng Phụng; Dự án 47 Nguyễn Tuân; Dự án 108 Nguyễn Trãi, Dự án 44 Yên Phụ, Dự án tại 430 Cầu Am… Thanh tra Chính phủ xác định đây là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án đất ở những vị trí đắc địa.

Tại hàng loạt các địa phương khác cũng xảy ra những sai phạm lớn trong quản lý và sử dụng đất công như Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đà Nẵng…

Cơn sốt đất nền vùng ven TP.HCM bùng phát từ giữa năm 2017 và lan sang cả năm 2018. Tâm điểm của đợt tăng giá vào tháng 3, 4 tại vùng ven, chủ yếu tập trung ở phân khúc đất nền sổ đỏ và đất nền dự án. Chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng đầu năm, đất nền khu Đông TP.HCM chứng kiến mức tăng 20 – 40% so với thời điểm trước Tết. Cơn sốt nhanh chóng lan sang khu Tây thành phố với Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn và tiếp tục kéo xuống các tỉnh lân cận là Đồng Nai, Long An và Bình Dương… rồi lan rộng ra các tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa…

Hà Nội cũng là nơi dậy lên cơn sốt đất nền rồi lan rộng ra Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Phòng và đặc biệt là Quảng Ninh, khiến thị trường nhà đất dậy sóng.

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do đầu cơ đất đai, thổi giá đất lên cao của một số nhà đầu tư cá nhân; trong khi đó, chính quyền địa phương lại buông lỏng công tác quản lý sử dụng đất đai.

Tuy nhiên, cơn sốt đất nền chỉ diễn ra mạnh vào quý I/2018 khiến nhiều chuyên gia e ngại về một kịch bản bong bóng có thể xảy ra. Kể từ quý II trở đi, cơn sốt đất nền bắt đầu giảm nhiệt sau những chính sách kiểm soát chặt chẽ của chính quyền địa phương và sự điều chỉnh của thị trường

Năm 2018, thị trường căn hộ du lịch (condotel) có xu hướng sụt giảm mạnh cả nguồn cung và giao dịch. Hầu hết các điểm nóng về du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… đều ít có dự án mới được phát triển.

Thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong quý III/2018, lượng giao dịch cả nước về sản phẩm condotel chỉ đạt khoảng 1.000 sản phẩm, còn tồn hơn 20.000 căn.

Nguyên nhân thị trường condotel sụt giảm bởi 4 lý do: Thứ nhất, tính pháp lý vẫn chưa được bảo đảm gây tâm lý e ngại cho giới đầu tư. Thứ hai, ngân hàng siết chặt cho vay đầu tư bất động sản khiến dòng vốn đổ vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là condotel bị hụt hơi. Thứ ba, năng lực phát triển, vận hành dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn còn hạn chế dẫn đến sự nghi ngờ của khách hàng có nhu cầu đầu tư lâu dài. Thứ tư, giá bán của các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng đã bị đẩy lên mức quá cao trước đó.

Đây là những vướng mắc cần tháo gỡ cho thị trường bất động sản “con lai” gồm condotel, oficetel, hometel… trong năm 2019 để thị trường phát triển ổn định và hợp lý hơn.

Ngay từ cuối năm 2017, đầu 2018, các doanh nghiệp bất động sản đã tăng cường phát triển bất động sản xanh bằng việc xây dựng các công trình xanh, đô thị xanh; ứng dụng kiến trúc xanh, công nghệ xanh và vật liệu xanh, nhằm giảm thiểu các tác hại của biến đổi khí hậu. Đồng thời, lấy con người làm trung tâm; đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp với lợi ích của khách hàng và cộng đồng, giữa bảo tồn và phát triển để tạo ra những không gian sống nhân văn, hạnh phúc.

Tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Đây là định hướng quan trọng, tác động mạnh mẽ và sớm hình thành xu hướng bất động sản thông minh. Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, đô thị thông minh là một hướng phát triển của thị trường trong tương lai mà trước mắt là sự hình thành các sàn giao dịch online, rút ngắn tiến độ xây dựng toà nhà cũng như áp dụng tự động hoá trong căn hộ.

Ngoài xây dựng bất động sản hạng sang, đáp ứng nhu cầu tầng lớp tiêu dùng trung lưu, với mô hình đô thị thông minh, bất động sản bắt đầu hướng đến đại đa số tầng lớp bình dân. Đây cũng là định hướng quan trọng dẫn dắt thị trường bất động sản Việt Nam phát triển bền vững, nhân văn trong giai đoạn tới.

Khi quỹ đất tại những thị trường truyền thống như Hà Nội, TP.HCM ngày càng trở nên chật hẹp và khan hiếm, một cuộc dịch chuyển của các nhà đầu tư và dòng vốn đã bắt đầu lan sang các tỉnh lẻ. Năm 2018 đánh dấu sự bùng nổ của các thị trường bất động sản địa phương. Với sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng của các khu công nghiệp, thị trường bất động sản các tỉnh lẻ như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bình Dương, Ninh Thuận… diễn ra sôi động với nguồn cung dồi dào, tính thanh khoản tốt. Các báo cáo ghi nhận, bên cạnh phân khúc đất nền biến động với mức giá gấp 2 – 4 lần so với thời điểm năm 2017, thị trường bất động sản địa phương còn hấp dẫn bởi sự đa dạng trong các sản phẩm như chung cư, liền kề, biệt thự…

Nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn như Vingroup, Sungroup, FLC… đã đổ bộ vào thị trường bất động sản địa phương, tạo ra nguồn cung dồi dào và chất lượng. Cùng với sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, sự xuất hiện của lượng cung sản phẩm dồi dào, thị trường bất động sản tại các địa phương hứa hẹn mang đến biên độ lợi nhuận lớn. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, khi tốc độ phát triển quá nóng tại một thị trường còn mới và non trẻ sẽ dễ dẫn tới rủi ro trong đầu tư, vì vậy khách hàng cần hết sức tỉnh táo.

Nguồn reatimes.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xin chân thành cám ơn Quý khách đã quan tâm đến dự án của Vina Real Group. Để biết thêm thông tin chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi, hoặc để lại thông tin theo mẫu bên dưới. Chúng tôi sẽ hồi âm trong thời gian sớm nhất.