Tìm kiếm
*nhập tên bất động sản cần tìmThị trường bất động sản TP.HCM trải qua năm 2019 với nhiều khó khăn
Bất động sản TP.HCM “đứng bánh”
Từ đầu năm 2019, thị trường bất động sản tại TP.HCM đã có những dấu hiệu chững lại rõ rệt. Số liệu từ Sở Xây dựng TP.HCM trong giai đoạn 2017-2019 về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn cho thấy số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, được cấp phép xây dựng đều sụt giảm.
Cụ thể, trong năm 2017, thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư ba dự án, công nhận chủ đầu tư 44 dự án, chấp thuận đầu tư 83 dự án và cấp phép xây dựng 69 dự án nhà chung cư, dự án nhà ở thấp tầng.
Năm 2018, thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư tám dự án, công nhận chủ đầu tư 19 dự án và cấp phép xây dựng 53 dự án nhà chung cư, dự án nhà ở thấp tầng.
Tuy nhiên, trong chín tháng đầu năm 2019, thành phố chỉ có một dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%; không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư; có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38%, so với cùng kỳ năm 2018.
Cũng trong khoảng thời gian này, số lượng dự án nhà ở hoàn thành cũng không nhiều, chỉ có 17 dự án, với 111ha và 12.453 căn nhà. Trong đó có 10.085 căn hộ chung cư, chỉ bằng khoảng 36% về số lượng dự án, bằng khoảng 79% về diện tích đất sử dụng đất, bằng khoảng 47% về số lượng căn nhà và chỉ bằng khoảng 49% tổng diện tích sàn xây dựng so với năm 2018.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), cho rằng khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua là nhiều dự án rơi vào tình cảnh ách tắc không thể triển khai vì nằm trong danh sách buộc phải rà soát của thành phố.
Đại diện một chủ đầu tư cho biết, bên cạnh những khó khăn về thủ tục cấp phép, pháp lý thì một khó khăn khác là quỹ đất của thành phố hiện cũng dần khan hiếm, giá đất cũng tăng cao hơn rất nhiều. Do đó, nhiều doanh nghiệp quyết định “ly tâm” để phù hợp với kế hoạch kinh doanh trong hoàn cảnh này.
Vùng ven sôi động
Trái ngược với sự ảm đảm của thị trường bất động sản TP.HCM, những thị trường lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An hay các vùng đất tiềm năng cho bất động sản nghỉ dưỡng ven biển như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Cam Ranh lại sôi động với hàng loạt dự án được triển khai.
Phan Thiết – Bình Thuận là nơi có thị trường bất động sản sôi động trong năm 2019
Theo nhiều doanh nghiệp bất động sản, đầu tư vào thị trường vùng ven bên cạnh khai thác thế mạnh về quỹ đất rộng, giá tương đối thấp thì ở đây chính quyền cũng tạo nhiều điều kiện để thu hút đầu tư do đó, thủ tục xin phép để triển khai một dự án cũng được rút gọn, dễ dàng hơn. Đặc biệt, hơn cả là ở những thị trường này đang có các bệ phóng là các dự án hạ tầng quan trọng sắp được triển khai.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương cũng đồng quan điểm, cho biết thực ra các doanh nghiệp đã nhìn thấy những khó khăn này từ từ 5 – 10 năm trước. Cộng hưởng với năm 2019 khi những khó khăn về quỹ đất và pháp lý rủi ro tại TP.HCM thì các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển ở các thị trường vùng ven và lân cận. Bên cạnh đó là bệ đỡ từ các dự án hạ tầng quan trọng.
Những năm gần đây, Đồng Nai là thị trường tiếp giáp TP.HCM, thu hút nhiều dự án bất động sản. Địa phương này cũng là nơi sẽ xuất hiện hàng loạt dự án hạ tầng “khủng” như sân bay quốc tế Long Thành có vốn đầu tư hơn 111.000 tỉ đồng (giai đoạn 1) sẽ được khởi công trong năm 2021; dự án xây dựng cầu Cát Lái trị giá 7.200 tỉ đồng nối TP.HCM với Nhơn Trạch đã được giao cho Đồng Nai làm chủ đầu tư.
Những “ông lớn” bất động sản đang hiện diện ở Đồng Nai có thể kể đến như Novaland với dự án Aqua City quy mô giai đoạn đoạn 1 hơn 300ha, Hưng Thịnh với dự án Biên Hòa New City, Tập đoàn CFLD với những dự án đình đám Swan Park, Swan Bay…
Bà Rịa – Vũng Tàu với lợi thế bờ biển từ lâu đã hình thành nên các khu du lich nổi tiếng với hàng loạt dự án tại Long Hải, Hồ Tràm, Vũng Tàu… thì nay lại càng nóng hơn với những đề xuất từ các đại gia bất động sản.
Mới đây nhất, Tập đoàn VN Holdings Group gây chú ý khi đề xuất xây dựng Dự án Khu đô thị sinh thái Tây Nam với vốn đầu tư 7 tỉ USD tại TP. Bà Rịa; liên danh Tổng Công ty đầu tư Văn Phú – Invest và Công ty cổ phần đầu tư VCI đề xuất dự án sân bay với vốn đầu tư 1 tỉ USD.
Trước đó, nhiều ông lớn khác như FLC, Novaland, Hải Phát Invest cũng đề xuất nhiều dự án đô thị đình đám tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trong năm 2019, Bình Thuận được xem là thị trường bất động sản nóng nhất. Sự sốt nóng của địa phương này không chỉ đến từ việc sỡ hữu nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng mà còn bởi hàng loạt dự án hạ tầng nghìn tỉ rục rịch triển khai. Trong đó, hai dự án nổi bật nhất là sân bay Phan Thiết vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng và cao tốc Giầu Dây – Phan Thiết trị giá 15.000 tỉ đồng.
Để đón đầu lợi thế của những dự án hạ tầng nghìn tỉ, hiện nhiều ông lớn bất động sản đang đổ bộ vào nhiều khu vực của Bình Thuận. Có thể kể đến một số dự án như: Tập đoàn Novaland với tổ hợp Novaworld Phan Thiết và dự án NovaHills, Nam Group với khu nghỉ dưỡng cao cấp Thanh Long Bay tại Kê Gà – Hòn Lan, Công ty Hưng Lộc Phát với dự án Summerland Mũi Né… Tập đoàn FLC cũng đang thăm dò để tìm các quỹ đất đầu tư ở Bình Thuận.
Bên cạnh các thị trường quen thuộc, năm 2019 cũng đánh dấu sự bùng nổ của những vùng đất mới đầy tiềm năng như Cần Thơ, Bình Phước, Quảng Bình…
Theo Cafeland
Xin chân thành cám ơn Quý khách đã quan tâm đến dự án của Vina Real Group. Để biết thêm thông tin chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi, hoặc để lại thông tin theo mẫu bên dưới. Chúng tôi sẽ hồi âm trong thời gian sớm nhất.
ĐĂNG KÝ NHẬN THÔNG TIN