Bà Phan Thị Khánh Ngọc, Giám đốc DT GROUP – NLMT cho biết, trở ngại lớn nhất đối với các công trình TKNL là sự ngộ nhận về chi phí. Cụ thể, các chủ đầu tư nghĩ rằng, công trình TKNL là bắt buộc phải bỏ ra nhiều chi phí cho các thiết bị hiện đại. Điều đó là chưa chính xác.
“Để một công trình TKNL, chúng ta phải có tư duy thiết kế chủ động ngay từ khâu ý tưởng để tạo ra công trình sử dụng được tối đa năng lượng tự nhiên, sau đó mới áp dụng các biện pháp cơ điện hiện đại (máy móc thiết bị) để tăng hiệu quả vận hành”, bà Ngọc cho biết.
Theo các chuyên gia, kinh nghiệm từ các công trình trên thế giới cho thấy, để xây dựng những tòa nhà, công trình TKNL, chi phí xây dựng có thể tăng từ 10 – 30% nhưng mang lại mức tiết kiệm khoảng 20% chi phí năng lượng so với các công trình khác. Mặt khác, tuổi thọ các công trình xây dựng rất dài, từ 50 – 100 năm. Do đó, các công trình áp dụng giải pháp TKNL về lâu dài sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí cho cả chủ công trình và xã hội.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu được nghiên cứu áp dụng các giải pháp TKNL ngay từ khâu thiết kế công trình thì sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với việc xây dựng công trình xong mới tích hợp các giải pháp TKNL.
Nhân rộng các mô hình điểm
Theo ECC Hà Nội, Trung tâm thương mại Savico Megamall nhờ áp dụng tổng thể các giải pháp TKNL như đẩy mạnh sử dụng các trang thiết bị có hiệu suất cao, thay thế dần các thiết bị có hiệu suất thấp, xây dựng mô hình quản lý năng lượng… nên công trình này đã tiết kiệm được gần 524.000 kWh điện trong năm 2014, tương đương 1,36 tỷ đồng.
Do đó, nếu tính trên 10 tòa nhà được kiểm toán, nếu tăng cường áp dụng các giải pháp quản lý và kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng, có thể tiết kiệm được gần 1,3 tỷ kWh điện/năm, tương đương 15% tổng lượng điện tiêu thụ.
Cuối tháng 10 vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ động thổ xây dựng công trình Ngôi nhà Đức tại quận 1. Đây là công trình được thiết kế trở thành tòa nhà văn phòng xanh, cao cấp hàng đầu tại TP Hồ Chí Minh để đạt chứng nhận LEED Gold (dẫn đầu trong thiết kế về năng lượng và môi trường). Cụ thể, Ngôi nhà Đức có thiết kế tiết kiệm chi phí, tiêu thụ năng lượng thấp thông qua việc sử dụng các vật liệu xây dựng sinh học, kết hợp với các công nghệ tiên tiến nhất của Đức, bao gồm việc lắp đặt các thiết bị và pa-nô quang điện để tạo ra năng lượng tái tạo.
Ở Việt Nam chưa có các quy định chặt chẽ về việc thực thi quy chuẩn về thiết kế TKNL nên các chủ đầu tư chưa có thông số cụ thể để so sánh và lựa chọn giải pháp. Bởi vậy, những công trình điểm như trên là rất cần thiết, có thể coi là tiên phong để nhân rộng mô hình này trên cả nước.
Bên cạnh đó, hiện nhiều người còn ngộ nhận rằng TKNL là sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời. Thực ra đó chỉ là một trong rất nhiều giải pháp. Còn rất nhiều giải pháp khác như sử dụng các thiết bị chiếu sáng TKNL (đèn LED, compact); sử dụng hệ thống điều khiển thông minh giúp giảm hoặc cắt hẳn lượng chiếu sáng khi không cần thiết, điều khiển tự động độ sáng của đèn theo ánh sáng ngoài trời; sử dụng các thiết bị vệ sinh thế hệ mới để tiết kiệm 20% lượng nước sử dụng; sử dụng điều hòa không khí theo công nghệ biến tần inverter kết hợp với điều hòa không khí bằng năng lượng mặt trời…
Nguồn TTXVN